Vỡ đường ống nhà máy Bauxite: nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên
Các chỉ số về hàm lượng sắt (Fe) và hexavalent crôm (Cr6+) của nước suối Đắk Dao vượt quy chuẩn cho phép rất nhiều.
Vượt quy chuẩn cho phép
Ngày 2/8, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo về kết quả kiểm tra, khảo sát khu vực có hiện tượng cá chết tại suối Đắk Dao và tình hình sự cố hóa chất xảy ra tại Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ.
Theo báo cáo, kết quả kiểm tra độ kiềm (pH) trong nước suối Đắk Dao phía sau cống xả nước mưa số 3 của Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ ngày 29/7 đều thấp hơn kết quả kiểm tra ngày 24/7.
Trong khi đó, các chỉ số về hàm lượng sắt (Fe) và hexavalent crôm (Cr6+) của nước suối Đắk Dao lại vượt quy chuẩn cho phép.

Kết quả phân tích mẫu nước lấy ngày 24/7 tại vị trí cách cống xả số 3 của Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ 250m về phía hạ lưu có hàm lượng Fe vượt 1,48 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Tại vị trí cách cống xả số 3 NMSX alumin Nhân Cơ 150m về phía hạ lưu có hàm lượng Fe vượt 1,22 lần và Cr6+ vượt 1,5 lần quy chuẩn.
Kết quả phân tích mẫu nước suối Đắk Dao lấy ngày 25/7 tại vị trí cách cống xả số 3 của Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ 1.500m về phía bên phải dòng chảy có hàm lượng Fe vượt 1,7 lần quy chuẩn và tại điểm cách đó 1.100m có hàm lượng Fe vượt 1,03 lần quy chuẩn.
Trước đó, người dân tại xã Nhân Cơ phát hiện nước suối Đắk Dao chảy qua địa bàn xã có biểu hiện bất thường như có màu sẫm đen, trên bề mặt nổi váng loang lổ; đồng thời phát hiện nhiều cá, tôm chết nổi trên mặt suối nên báo cơ quan chức năng.
Nhiều người dân địa phương khi xuống suối vớt cá thì có biểu hiện da bị ngứa, khô cứng, phồng rộp đau rát như bị bỏng nước sôi.
Xử lý nghiêm nếu vi phạm
Trong một diễn biến liên quan, chiều ngày 2/8, tại buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ xác nhận việc xảy ra sự cố tại nhà máy Alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông, cụ thể là vỡ ống đẩy của máy bơm kiềm dẫn đến việc kiềm bị chảy ra ngoài nhà máy, chảy vào suối Đăk Yao.
Ngay sau khi xảy ra, sự cố đã được không chế hoàn toàn. Sau 24h, các cơ quan giám sát môi trường đã quan trắc trên dòng suối và xác định nồng độ PH ở mức cho phép. Tuy vậy, sự cố cũng đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội.

Người phát ngôn Chính phủ cho biết: Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân sự cố tại nhà máy Alumin Nhân Cơ, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nếu có.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các cơ sở sản xuất cần tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định kể cả trong quá trình dầu tư xây dựng cũng như trong quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn khai thác, chế biến khoáng sản; chủ động có các biện pháp dự phòng để ứng phó khi xảy ra sự cố”.
Trước đó, chiều 28/7, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh văn phòng UBND Đắk Nông đã có phát ngôn chính về sự cố xảy này, xác nhận sự việc xảy ra đã làm 9,58m3 kiềm tràn vỡ đã tràn ra khu vực nhà máy sân nhà máy.
Trong đó một phần được thu hồi, một phần thẩm thấu xuống nền đất diện tích 600m2 và một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy tràn và chảy ra suối Đắk Dao qua cửa xả số 3 về phía hạ du…
Thế nhưng, điều đáng nói, trước vấn đề trên, giải thích của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV (DNA) rất lòng vòng, không đề cập đến nguyên nhân vì sao vỡ đường ống.
Có lẽ vì thế, PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) mới lo lắng, nếu không cẩn trọng trong khai thác bauxite ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên.
Tuệ Lâm / Báo Đất Việt
Có thể bạn quan tâm:
+ Lễ khởi công xây dựng trạm quan trắc nước mặt tự động sông Nhuệ – Đáy
+ Ô nhiễm nguồn nước, tác nhân ảnh hưởng đến tương lai trẻ em
+ Biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước thải tại các KCN, KCX
+ Tác hại của kim loại nặng trong nước thải nhà máy luyện gang thép