Siết chặt hoạt động xả thải của DN để tránh hậu quả về môi trường

Vụ việc Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường mới đây đã gây nên những hậu quả nặng nề đối với cuộc sống, sản xuất, việc làm của người dân 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế). Theo các nhà chuyên môn, hậu quả của vụ việc còn có thể kéo dài trong nhiều năm nữa.

 

Mặc dù doanh nghiệp này đã cam kết bồi thường và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết những hậu quả đáng tiếc gây ra, tuy nhiên về lâu dài, để xử lý triệt để những hệ lụy, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường sẽ còn rất nhiều gian nan.

 

Những vụ việc như thế này đặt ra cho các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý, các địa phương nhiều vấn đề cấp thiết trong việc quản lý hoạt động xả thải của doanh nghiệp tại các cụm, khu công nghiệp hiện nay không thể xem nhẹ.

 

duong-ong-xa-thai-formosa
Đường ống xả thải Formosa nối ra biển

Nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra

Vụ việc Cty Formosa xả thải ra biển trong tháng 4 vừa qua không khỏi khiến dư luận bức xúc. Dư luận đặt câu hỏi tại sao một đường ống như vậy xả thải ra môi trường lại không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý ngăn chặn kịp.

 

Trả lời những khúc mắc này, ở thời điểm ban đầu khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm xả thải ra môi trường, các ngành chức năng địa phương có nhiều ý kiến trái chiều trong việc phân định chức năng quản lý, giám sát.

 

Và sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng chính thức về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường cũng là thời điểm dư luận và các ngành chức năng, địa phương mới thừa nhận có quá nhiều lỗ hổng trong việc quản lý hoạt động xả thải của doanh nghiệp sản xuất tại các cụm, khu công nghiệp.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, cũng bởi những lập luận và những ý kiến trái chiều về việc phân định trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm soát hoạt động xả thải của các đơn vị, doanh nghiệp chưa rạch ròi nên trước khi Formosa bị phát hiện xả thải ra môi trường thì cũng đã có rất nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến sự cố môi trường xảy ra.

 

Điển hình cho sự cố ô nhiễm môi trường thời điểm cách đây gần chục năm phải kể đến vụ việc của Cty Vedan. Đó là ngày 13/9/2008, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Cty Vedan (doanh nghiệp FDI Đài Loan, Trung Quốc) đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải với con số kết luận từ đoàn kiểm tra không khỏi khiến nhiều người giật mình 105.600m3 một tháng.

 

Kết luận của Bộ TN&MT cho biết, doanh nghiệp này có 10 sai phạm (nước thải vượt từ 10 lần tiêu chuẩn cho phép đối với nhà máy sản xuất tinh bột biến tính, bột ngọt và lysine…).

 

Cty Vedan đã bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường. Rồi đến tháng 4/2010, Cty Tung Kuang (100% vốn Đài Loan, Trung Quốc) đóng tại Hải Dương cũng đã bị cảnh sát bắt quả tang xả thẳng nước thải chưa xử lý ra môi trường sông Ghẽ, nồng độ chất độc hại vượt ngưỡng quy định cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép.

 

Một vụ việc gây ô nhiễm môi trường cũng gây ầm ĩ dư luận nữa là vụ việc Cty CP Dịch vụ Sonadezi Việt Nam, thuộc TCty Sonadezi, là đơn vị vận hành nhà máy xử lý nước thải của KCN Long Thành, Đồng Nai cũng gây ô nhiễm môi trường khi mà các ngành chức năng phát hiện nước thải của đơn vị này chưa được xử lý tại nhà máy đang đổ trực tiếp ra môi trường là sông Đồng Nai.

 

Tháng 4/2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt quả tang Cty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai – Vinashin (HVS) đang xả chất thải lỏng chưa qua hệ thống xử lý ra vịnh Vân Phong.

 

Rồi mới đây, trong khi vụ việc về Formosa chưa được kết luận làm rõ về việc gây ô nhiễm môi trường thì từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2016, nhà máy của Cty CP Mía đường Hòa Bình đã xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi, địa phận tỉnh Thanh Hóa, gây nên tình trạng cá chết hàng loạt không khỏi khiến người dân bức xúc, hoang mang. Phía nhà máy cũng đã thừa nhận mỗi ngày thải ra sông khoảng 2.000-3.000 m3 và đã bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, tiến hành đền bù cho người dân bị thiệt hại.

 

Có thể nói, nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến các sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường đã bị phát hiện. Và sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì các doanh nghiệp đều thừa nhận sai phạm.

 

Vậy trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát, địa phương đến đâu khi để xảy ra ô nhiễm thì mới tá hỏa tìm hướng xử lý hậu quả mà không tính toán đến việc ngăn ngừa, quản lý chặt chẽ ngay từ ban đầu khi các đơn vị xây dựng phương án sản xuất, xây dựng kế hoạch, phương án xử lý môi trường? Không kiểm soát chặt chẽ vấn đề xả thải, xử lý môi trường của các doanh nghiệp, nên, nhiều địa phương, nhiều đơn vị, các bộ ngành chức năng vẫn phải “cắn răng” để giải quyết hậu quả môi trường cũng là điều dễ hiểu.

Bài học nào cho các cơ quan quản lý?

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến tháng 7/2015, Việt Nam có 16 khu kinh tế ven biển, 299 KCN, trong đó, có 212 KCN đang hoạt động.

 

Và theo những số liệu và thống kê của Bộ TN&MT, từ năm 2011 – 2015, Bộ này cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 3.400 cơ sở và KCN, cụm công nghiệp, trong đó phát hiện và xử phạt hơn 2.000 tổ chức vi phạm, với số tiền phạt lên tới gần 280 tỷ đồng. Tính đến tháng 12/2015, có 178 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh và đi vào vận hành.

 

nha-may-mia-duong-hoa-binh
Nhà máy mía đường Hòa Bình xả thải ra sông Bưởi.

Dưới góc nhìn của một đơn vị đang trực tiếp quản lý hạ tầng KCN Nam Thăng Long, ông Vũ Hồng Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội, Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển hạ tầng Hiệp hội Công Hà Nội nhìn nhận, trước tiên doanh nghiệp gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để tránh những vụ việc đáng tiếc liên quan đến ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp sản xuất gây nên, ông Việt cho rằng, cần phải xác định được nguồn thải thì mới đánh giá được những tác động môi trường.

 

“Trước tiên phải xác định nguồn thải là gì (nước thải, chất thải rắn, không khí), kế đến là trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ bắt đầu từ đánh giá tác động môi trường. Trách nhiệm đầu tiên là của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc xin và hoàn thiện các thủ tục đồ án bảo vệ môi trường từ cơ quan quản lý nhà nước, các ngành liên quan. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước phải có chuyên môn thẩm định kỹ càng, bảo vệ môi trường theo nguyên tắc nào, quy trình nào”, ông Việt phân tích.

 

> Xem thêm: Nước thải công nghiệp được phân loại như thế nào?

 

Ông Việt cũng chia sẻ thêm, không thể kiểm soát 24/24 hoạt động xả thải của doanh nghiệp được, không ai đi rình họ được cả ngày. Bởi vậy, cần phải có hệ thống quan trắc nước thải tự động để có những đánh giá chính xác nhất về vấn đề bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.

 

Trong quá trình vận hành thì phải kiểm tra thì phải có sổ sách ghi chép đầy đủ và có hứa hẹn vận hành đúng và đầy đủ theo yêu cầu quy định hay không.

 

Báo cáo thường kỳ, thanh tra định kỳ, đột xuất.. xem doanh nghiệp có thực hiện không. Đây là biện pháp cần thiết. Cuối cùng hàng năm phải kiểm tra xem hoạt động xả thải của doanh nghiệp có gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hay không. Đó là cái rõ ràng nhất.

 

Chia sẻ thông tin về những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường hiện nay, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, trước những sự cố môi trường xảy ra thời gian gần đây, Chính phủ cần rà soát lại vấn đề quản lý để tránh những thảm họa môi trường có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời, ông Võ cũng cho rằng, để tránh các thảm họa môi trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, thanh kiểm tra về môi trường. Bởi hiện việc giám sát xả thải của các doanh nghiệp là điểm khá yếu.

 

Vấn đề chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường hiện chưa được các doanh nghiệp nghiêm túc thực thi. Dưới góc nhìn pháp lý, nhiều luật sư nhận định, hiện mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên mới xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt khi bị phát hiện xả thải gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần phải có chế tài phù xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời siết chặt và kiểm soát, quản lý các hoạt động môi trường đối với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

 

Đánh giá về công tác quản lý môi trường và việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, khi xin được cấp phép đầu tư, bản thân nhà đầu tư đã phải có các phương án và cam kết về bảo vệ môi trường trong xây dựng và vận hành dự án sau khi được cấp phép, vì có các giải pháp bảo vệ môi trường là một trong các điều kiện dự án phải có, phải chứng minh được mới được cấp phép.

 

“Những vấn đề về dân sinh luôn được tính đến. Việc xem xét cấp phép cho bất cứ dự án nào luôn được xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, phù hợp với quy hoạch ngành, vùng có vốn và công nghệ, có giải pháp bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, bảo đảm dân sinh”, ông Thắng cho hay.

 

Huy Thảo – Báo xây dựng

 

Có thể bạn quan tâm:

Ô nhiễm nguồn nước, tác nhân ảnh hưởng đến tương lai trẻ em

+ Tại sao doanh nghiệp phải giám sát môi trường thường xuyên?

Biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước thải tại các KCN, KCX

[:]