Hải Phòng: Kiểm soát xả thải, rà soát và xử lý

TP. Hải Phòng hiện có 13.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đa phần những cơ sở này phải xin cấp phép xả nước thải. Thế nhưng, trên thực tế, số lượng tổ chức, cá nhân đã được cấp phép hoặc đến làm thủ tục cấp phép xả nước thải vào nguồn nước đạt rất thấp.

Mối nguy lớn

Gần 90% số doanh nghiệp vi phạm về xả thải, đó là khẳng định của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Hải Phòng Phạm Quốc Ka. Bởi đến nay số doanh nghiệp được cấp giấy phép xả thải mới đạt khoảng 10%.

he-thong-xlnt-ccn-ten-lien-vinh-bao
Kiểm tra, giám sát hoạt động hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại CCN Tân Liên, Vĩnh Bảo

Theo đánh giá của Sở TN&MT, ở TP. Hải Phòng tình trạng xả nước thải nhưng không xin phép diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm. Vì trong cả giai đoạn 2006- 2013, chỉ có 30 đơn vị được cấp phép xả thải. Tiếp đó, năm 2014, cả thành phố có thêm 6 doanh nghiệp có giấy phép xả thải vào nguồn nước. Từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố cũng đã xem xét, cấp 107 giấy phép. Lý do chậm thực hiện các thủ tục cấp phép xả thải được các doanh nghiệp đưa ra là việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốn kém nguồn kinh phí tương đối lớn, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh…

 

Song, hiện với số lượng doanh nghiệp đang sản xuất có nguy cơ xả thải ra môi trường không bảo đảm quy định còn khá nhiều. Sở TNMT đã rà soát và xác định, toàn thành phố hiện có khoảng 1000 cơ sở sản xuất thuộc đối tượng cần phải cấp phép xả nước thải.

 

Hệ lụy không thể tránh khỏi là nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng nước mặt trên địa bàn thành phố suy giảm đáng kể. Qua các đợt quan trắc ở sông Rế, sông Giá và sông Đa Độ vài năm gần đây đều cho kết quả: Các sông có đấu hiệu ô nhiễm. Trong đó, nồng độ nhiều chất ô nhiễm vượt xa so với giới hạn cho phép. Đơn cử, có những thời điểm, nồng độ amoni vượt giới hạn cho phép từ 9,2-14 lần trên sông Rế (khu vực Vật Cách); trên sông Đa Độ, khu vực cầu Vàng (An Lão), nồng độ coliform vượt giới hạn cho phép 36 lần…

“Mạnh tay” xử lý

“Sở TN&MT thành phố sẽ tăng cường kiểm tra rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xả nước thải, vận hành liên tục hệ thống xử lý nước thải, nếu phát hiện hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm, thậm chí yêu cầu đóng cửa, tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất của các doanh nghiệp”, Giám đốc Sở TN&MT thành phố Hải Phòng Phạm Quốc Ka nhấn mạnh.

 

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, kiểm soát xả thải trên địa bàn thành phố, theo Giám đốc Sở TN&MT, trước mắt tập trung kiểm tra 73 doanh nghiệp có lưu lượng xả nước thải lớn, các ngành nghề sản xuất xả nước thải có mức độ ô nhiễm cao như chế biến thực phẩm, công nghiệp dệt nhuộm, hóa chất, sản xuất thép…trên địa bàn toàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Lê Thanh Sơn chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra, xử lý nước thải gây ô nhiễm môi trường trên sông Lạch Tray, do VTC News phản ánh. Ảnh H.H

Từ đầu năm 2016 đến nay, công tác kiểm tra và xử lý sai phạm được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện quyết liệt hơn. Sở TN&MT kiểm tra phát hiện và lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 20 doanh nghiệp về hành vi xả nước thải không có giấy phép, xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

 

Sở cũng đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố đình chỉ việc xả nước thải chưa đạt yêu cầu đối với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng tại bãi xử lý bùn thải Tràng Cát. Song song đó, Sở TN&MT đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các trạm quan trắc tự động ở những khu vực có lượng xả nước thải lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, như DAP, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất thép…

 

Mới đây nhất, đầu tháng 9/2016, UBND thành phố đã yêu cầu đóng cửa 2 doanh nghiệp sản xuất giấy vi phạm xả nước thải ra nguồn nước. Hành động này thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố trong việc kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định bảo vệ môi trường.

 

http://monre.gov.vn/