Cty CP mía đường Sơn La: Cần khẩn trương khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất
Hằng năm, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký hợp đồng trên 6.000 hộ nông dân trồng gần 5.000 ha mía, tạo việc làm và thu nhập cho các hộ dân trồng mía và cho gần 300 công nhân là người địa phương, tham gia sản xuất tại công ty từ 4-5 tháng/năm. Tuy nhiên, trong sản xuất, việc xử lý nước thải của đơn vị chưa triệt để dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của các hộ dân trong khu vực.

Hệ thống xử lý nước thải
Tháng 7 năm 2014, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 900 m3/ngày, do Trung tâm Công nghệ môi trường thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thiết kế và thi công (hợp đồng kinh tế số 29A/HĐKT-ĐSL ngày 12/7/2014). Hệ thống bể chứa nước thải khoảng 3.000 m3 với 4 hồ sinh học. Trong đó, hồ số 1 chứa nước sau xử lý; hồ số 2 chứa nước thải sản xuất chưa qua xử lý; hồ số 3 dự phòng (hiện chưa được chống thấm, chống tràn); hồ số 4 chứa nước tạo chân không và làm mát thiết bị.
Nước thải của Công ty chia làm 3 loại: Nước thải của hệ thống tạo chân không, làm mát; nước thải vệ sinh công nghiệp, nước thải từ nhà máy hóa nghiệm; nước thải từ các công trình vệ sinh trong Công ty. Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải như sau: Nước thải đầu vào – bể điều hòa – bể kỵ khí UAF – bể trung chuyển – bể sinh học hiếu khí – bể lắng lọc sinh học – cụm keo tụ tạo bông – bể lắng lý hóa – bể khử trùng – hồ sinh học – nguồn tiếp nhận.
Thực trạng ô nhiễm
Trong vụ sản xuất năm nay, tuy Công ty không xả nước thải trực tiếp ra môi trường, nhưng trong quá trình xử lý, nước thải thẩm thấu qua lòng đất, ngấm vào mạch nước, gây ô nhiễm. Kết luận thanh tra số 246/KL-STNMT, ngày 3/6/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La nêu rõ: Hồ số 1 chứa nước thải sau xử lý đã bị nước thải chưa xử lý của hồ số 2 chảy tràn vào. Hồ số 2 bị rò rỉ chảy sang hồ số 3 với lưu lượng khoảng 30 m3/ngày, đêm. Tại hồ số 4 đã xả nước theo hệ thống ống dẫn sang hồ số 3. Do hồ số 3 chưa được chống thấm đã thẩm thấu nước thải xuống lòng đất. Kết quả kiểm tra nước tại khu vực suối, mó nước gốc cây sung thuộc tiểu khu 4 và tiểu khu 5 (thị trấn Hát Lót) cho thấy nước đục, không có mùi.
Đoàn thanh tra đã lấy 1 mẫu nước tại dòng nước thải chảy từ hồ số 2 sang hồ số 3; 1 mẫu nước thải tại hồ số 3, để phân tích chất lượng nước. Kết quả cho thấy, nước thải chảy từ hồ số 2 sang hồ số 3 có 3/8 thông số nằm trong giới hạn cho phép; 5/8 thông số vượt QCVN 40:2011/BTNMT. Nước thải tại hồ chứa số 3 có 3/8 thông số nằm trong giới hạn cho phép, 5/8 thông số vượt QCVN 40:2011/BTNMT.
Trước đó, đoàn thanh tra đã lấy mẫu nước dưới đất tại gia đình ông Trần Văn Công, xóm 2, Tiểu khu 5 (thị trấn Hát Lót), phân tích 1 mẫu với 5 thông số. Kết quả 4/5 thông số nằm trong giới hạn cho phép, 1/5 thông số vượt giới hạn cho phép 100 lần theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Đoàn cũng đã tiến hành phân tích 3 mẫu nước tại mó nước gốc cây sung, thuộc Tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót với 19 thông số/mẫu. Kết quả 17/19 thông số nằm trong giới hạn cho phép, 2/19 thông số vượt giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT.
Qua kết luận thanh tra cho thấy, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La chưa thu gom triệt để nước thải để xảy ra tình trạng nước thải chưa xử lý chảy từ hồ số 2 sang hồ số 3; xả nước từ hồ số 4 sang hồ số 3, trong khi hồ số 3 chưa được chống thấm. Lượng nước thải thẩm thấu xuống lòng đất và chảy ra khu vực mó nước gốc cây sung thuộc Tiểu khu 5 gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường khu vực này.
Những việc cần làm ngay
Trao đổi với chúng tôi về việc khắc phục ô nhiễm môi trường, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Sơn La cho biết: Ngay sau khi có kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty đã có văn bản cam kết khắc phục các tồn tại theo nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra. Trong đó, tập trung vào 4 nội dung. Xử lý triệt để nước thải còn lại ở hồ số 2. Tiến hành lót toàn bộ đáy và thành của 4 hồ, bảo đảm không rò rỉ nước thải. Lắp đồng hồ đo lưu lượng đúng vị trí để xác định một ngày xử lý được bao nhiêu m3 nước thải. Lập đề án quan trắc đo khí thải xác định mức độ ô nhiễm không khí để có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, Công ty còn chủ động tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống mương nước trong xưởng sản xuất, các đường thoát nước mặt, các ống gom nước thải đưa ra ngoài xử lý, để có biện pháp khắc phục. Bởi đây cũng là tiềm ẩn những yếu tố gây ô nhiễm…
Tổng giám đốc Trần Ngọc Hiếu khẳng định, Công ty sẽ cố gắng cao nhất để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Chỉ còn vài tháng nữa là lại bước vào vụ sản xuất mới, ngay từ bây giờ, Công ty cần tích cực thực hiện những giải pháp khắc phục ô nhiễm như đã cam kết, nếu không, việc lặp lại tình trạng ô nhiễm trong vụ sản xuất mía đường tới là khó tránh khỏi.
Hồng Luận / Báo Sơn La
Có thể bạn quan tâm:
+ Các thông số đánh giá chất lượng nước thải công nghiệp
+ Cẩm nang bảo vệ môi trường dành cho chủ Doanh nghiệp
+ Nước thải công nghiệp được phân loại như thế nào?
+ Trạm quan trắc chất lượng nước thải Cty CP Mía Đường Thành Thành Công Tây Ninh