Cần siết chặt hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp ven biển

Hiện nay, hầu hết các khu kinh tế, công nghiệp ven biển đều “có vấn đề” về môi trường, trong đó sự cố ở Vũng Áng có tác động rộng lớn và nghiêm trọng đầu tiên.

 

Sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trong do Formosa gây ra vừa qua là lời cảnh tỉnh cho các nhà quản lý trong việc kiểm tra, giám sát công tác môi trường ở tất cả các khu kinh tế, công nghiệp ven biển.

Lỗ hổng quản lý

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 16 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích đất và mặt nước là hơn 800.000 ha. Với địa hình đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam, các khu kinh tế ven biển phân bổ đều khắp các tỉnh, thành phố trên cả 3 miền. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, việc kiểm soát về xả thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển là hết sức cần thiết, nhất là sau khi đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh).

 

Trong vụ việc Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải khiến hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã thừa nhận có nhiều lỗ hổng về quản lý môi trường. Theo Bộ trưởng, việc quản lý xả thải đối với với Formosa Hà Tĩnh có thể được thực hiện theo 2 loại Quy chuẩn Quốc gia. Trong đó, Quy chuẩn 40 áp dụng đối với nước thải công nghiệp và Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép. Trên thực tế Quy chuẩn 40 kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 chỉ kiểm soát 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn. Theo ông, trong trường hợp này phải áp dụng cả hai loại quy chuẩn.

 

Quan-ly-xa-thai-tai-cac-khu-cong-nghiep-ven-bien

 

Đối với vụ việc Formosa, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được ngành công nghiệp gang thép sẽ xả lượng nước thải lớn, chưa tính toán xây dựng quy chuẩn quản lý như thế nào cho hợp lý… Cách quản lý xả thải hiện là chưa sát với tình hình và chưa tiên lượng được các nguồn thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận.

 

Cùng với đó, đánh giá của hệ thống giám sát môi trường tự động cũng chỉ quan trắc được 6 thông số, còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, cyanua và sắt không quan trắc được. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá: “Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không có sự giám sát của Trung ương và địa phương thời gian qua”.

 

Theo các chuyên gia môi trường, không chỉ Vũng Áng mà ở nhiều khu kinh tế ven biển cũng đã xảy ra tình trạng ô nhiễm do xả thải. Các khu kinh tế ven biển như Dung Quất (Quảng Ngãi), Nghi Sơn (Thanh Hóa) có một số điểm ô nhiễm dầu mỡ cao gấp 4 – 6 lần cho phép. Đặc biệt, một số khu kinh tế ven biển chưa thực hiện nghiêm cam kết bảo vệ môi trường (trong báo cáo đánh giá tác động môi trường), thường xả nước thải chưa xử lý vượt quy chuẩn cho phép.

 

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo – cho rằng, một số dự án công nghiệp ven biển đang được xây dựng như Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang), Dung Quất – Chu Lai cũng cần được xem xét đánh giá kỹ. Ví dụ như cảng Lạch Huyện tại Đình Vũ – Cát Hải được kỳ vọng sẽ thành cảng quốc tế hiện đại bậc nhất nhưng cũng có nhiều lo ngại, bởi cảng nằm trong vùng có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên biển và lục địa, không ít giá trị là di sản cấp quốc tế như Vịnh Lan Hạ, quần đảo Long Châu… khu vực đó dòng chảy quẩn nên nếu có sự cố sẽ rất khó xử lý và một số khu vực khác như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Dung Quất cũng cần có đánh giá và kiểm tra về những tác động môi trường.

Cần bổ sung và nâng cao quy chuẩn

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, hiện nay, các KCN ven biển còn chưa lấp đầy nên chúng ta còn cơ hội để thay đổi. Đó là sự sàng lọc đầu tư, quy định điều kiện nào để địa phương hoặc cơ quan quản lý phê duyệt đầu tư và cùng với đó phải có chế tài giám sát, quy trình giám sát. Cần xây dựng thói quen từ chối dự án nếu dự án đó là dự án “đen” của doanh nghiệp có nhiều vi phạm hoặc bản thân dự án có nhiều nguy cơ đối với môi trường. Điều này cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành địa phương. Với quy chuẩn quy định đồng nhất không thể có chuyện địa phương này từ chối mà địa phương kia lại nhận đầu tư được.

 

Ông Hồi đề xuất, tất cả ống thải tại các KCN khi xử lý xong cần phải được đưa vào một hồ điều hòa giúp lắng tự nhiên rồi mới được đưa ra hệ thống ống nổi thải ra biển. Khâu cuối cùng phải giám sát chính là ở hồ này. Hồ phải được xây dựng nằm ngoài khu của doanh nghiệp, để có thể giám sát và kiểm tra thường xuyên một cách chủ động. Cùng với đó, cần học tập kinh nghiệm của các nước, thực hiện kiểm kê định kỳ nguồn thải 2 năm một lần đối với toàn bộ KCN.

 

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đề nghị bổ sung quy định về đánh giá tác động môi trường. Theo đó, chúng ta cần rà soát hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các văn bản dưới luật. Trước hết, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn môi trường của nước thải theo hướng chặt chẽ hơn. Hiện nay, quy định về đánh giá tác động môi trường với các dự án phát triển mới chỉ xem xét tác động của riêng dự án đang được xem xét mà chưa cần đánh giá tác động tổng hợp của tất cả các dự án đang hoạt động và xả thải ra khu vực biển. Do vậy, cần phải quy định cụ thể hơn về việc đánh giá tác động của xả thải trong các điều kiện cực đoan nhất để đảm bảo lượng thải không vượt quá sức chịu đựng của môi trường.

 

Đối với các nhà máy, khu công nghiệp có lượng xả nước thải lớn, cần có hệ thống đo đạc tự động các thông số môi trường của nước thải tại chỗ và truyền số liệu đo đạc về trung tâm quan trắc môi trường của cơ quan quản lý nhà nước.

 

Theo baotintuc

 

Tin liên quan

 

Trọn bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Nước thải công nghiệp được phân loại như thế nào?

Biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước thải tại các KCN, KCX